You are here

19/08/2014

Để hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ Mầm non lên Tiểu học, VVOB Việt Nam thực hiện chiến lược hỗ trợ nâng cao năng lực cho ba đối tác cấp tỉnh – Sở GD&ĐT, Trường ĐH/CĐSP và Hội LHPN tỉnh. Với các Sở GD&ĐT, những can thiệp hướng tới việc hỗ trợ nâng cao năng lực lãnh đạo nhà trường và giáo viên. Can thiệp dành cho Hội LHPN tỉnh tập trung vào việc nâng cao năng lực của cha mẹ, và với các Trường ĐH/CĐSP, VVOB Việt Nam chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tương lai.

Chương trình Giáo dục Mầm non Quốc gia 2009 được giảng dạy trong các trường ĐH/CĐSP cho sinh viên với mục đích cung cấp cho những giáo viên mầm non tương lai kiến thức và kỹ năng phát triển/điều chỉnh chương trình phù hợp với bối cảnh địa phương. Để đạt được mục tiêu này, bản thân người giảng viên cần hiểu biết sâu sắc về Chương trình. Hội thảo “Giới thiệu Chương trình Giáo dục Mầm non” được tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 8-9/8/2014 dành cho 23 giảng viên từ 4 Trường ĐH/CĐSP hướng tới mục tiêu giúp các giảng viên có cách hiểu tổng quan, đầy đủ và sâu sắc về Chương trình Giáo dục Mầm non Quốc gia 2009. Sự tham gia của 9 đại diện từ phía các Sở GD&ĐT giúp hội thảo có những ý kiến thực tế về việc thực hiện Chương trình trong thời gian 5 năm qua.

Trong quá trình hội thảo, các đại biểu đã có cơ hội tìm hiểu, thảo luận và phân tích về những khía cạnh khác nhau của Chương trình Giáo dục Mầm non.

Trước hết, hội thảo đã dành thời gian thảo luận những cách tiếp cận khác nhau trong việc phát triển chương trình, những ưu điểm và nhược điểm của mỗi cách tiếp cận và cập nhật xu hướng hiện thời trong phát triển chương trình. Ngoài việc giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về cách tiếp cận trong quá trình phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non Quốc gia, phần nội dung này cũng tỏ ra hết sức hữu ích đối với các giảng viên trong quá trình phát triển các chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hành giảng dạy.

Tiếp theo, các đại biểu so sánh Chương trình Giáo dục Mầm non Quốc gia 2009 và Chương trình cải cách, chỉ ra nhiều ưu điểm của Chương trình Giáo dục Mầm non 2009, cụ thể:

  • Chương trình Giáo dục Mầm non 2009 mang lại cơ hội cho sự phát triển toàn diện của trẻ;
  • Người giáo viên được trao nhiều quyền tự chủ, kèm theo đó là trách nhiệm trong việc thiết kế nội dung dạy học cụ thể.

Nội dung thứ ba, so sánh Chương trình Giáo dục Mầm non Quốc gia 2009 và Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi giúp các đại biểu hiểu cách cần thực hiện hoặc điều chỉnh Chương trình này để hỗ trợ tốt nhất quá trình phát triển của trẻ. Các đại biểu cũng phân tích, thảo luận, chỉ ra một số điểm chưa hoàn toàn khớp giữa Chương trình và Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Ý thức về vấn đề này giúp các giảng viên và giáo viên có thể đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong quá trình giảng dạy.

Bên cạnh những vấn đề lý thuyết, các đại biểu đã dành thời gian thực hành phát triển một kế hoạch cụ thể theo chủ đề Bác Hồ, giúp họ có cơ hội áp dụng những điều họ đã được giới thiệu, từ đó cùng phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Trong toàn bộ quá trình hội thảo, với mỗi nội dung, một vấn đề luôn được lặp đi lặp lại: Làm thế nào để lồng ghép giảng dạy nội dung đó một cách hiệu quả trong các môn học khác nhau cho sinh viên sư phạm Mầm non?

Bên cạnh nội dung chính - giới thiệu Chương trình Giáo dục Mầm non 2009 - hội thảo dành một khoảng thời gian ngắn cho việc cập nhật chính sách về Giáo dục Mầm non, chú trọng vào việc giới thiệu những chính sách quan trọng nhất, những điểm đáng lưu ý trong mỗi chính sách và cách giảng viên có thể chủ động thường xuyên cập nhật chính sách về Giáo dục Mầm non.

Mặc dù có những điểm cần lưu ý để hội thảo đạt hiệu quả tốt hơn, 85% đại biểu đánh giá hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra. Tiếp nối hội thảo tại Hà Nội, mỗi trường ĐH/CĐSP sẽ tổ chức hai hội thảo tương tự tại tỉnh mình dành cho giảng viên giảng dạy tại khoa Sư phạm Mầm non, hướng tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy về nội dung này trong trường sư phạm, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Mầm non tương lai.