Bạn đang ở đây

Vì nhiều lý do khác nhau, khuyến nông ở Việt Nam chủ yếu là từ trung ương xuống địa phương. Thông thường các chủ đề chưa đáp ứng ngay được các nhu cầu cấp thiết của người dân, hoặc chưa thích hợp với các điều kiện làm việc và nguồn lực của nhà nông. Chương trình muốn góp phần xây dựng một hệ thống khuyến nông dựa nhiều hơn vào nhu cầu của nông dân, đúng theo các chính sách khuyến nông (Nghị định 56, nghị định 02/2010/ND-CP, thông tư 60 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Rất nhiều nhà quan sát và các bên tham gia chương trình đều nhất trí rằng các kĩ năng về kỹ thuật khuyến nông hiện tại là khá tốt. Tuy nhiên, các kỹ năng về phương pháp cần được cải thiện.

Ý tưởng chính của chương trình này là củng cố các kỹ năng về phương pháp để có thể giúp tạo nên một hệ thống khuyến nông hiệu quả hơn. Vì vậy, mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực cho các cán bộ khuyến nông và các Câu lạc bộ nông dân. Để thực hiện được mục tiêu này một cách bền vững, một mặt chương trình sẽ xây dựng tài liệu và một hệ thống cho đào tạo liên tục và mặt khác vận động thể chế hóa các nguyên lý khuyến nông có sự tham gia ở hệ thống khuyến nông tỉnh (ở cấp quản lý của Trung tâm khuyến nông-TTKN và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Sở NNPTNN).

Trong giai đoạn 1(2008-2010), mỗi tỉnh thành lập một nhóm giảng viên và được Viện Nghiên cứu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (MDI) và Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam (IAS) đào tạo. Cuối năm 2010, các giảng viên này bắt đầu đào tạo lại cho các cán bộ khuyến nông tỉnh và chủ nhiệm các Câu lạc bộ nông dân. Các tập huấn ở tại tỉnh được giám sát đồng thời nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ nhỏ và các tài liệu tập huấn sẽ được hoàn thiện.

Để lồng ghép phương pháp có sự tham gia vào hệ thống khuyến nông, sự hỗ trợ của cấp quản lý (Sở NNPTNT và TTKN) rõ ràng là rất cần thiết để ủng hộ và sử dụng phương pháp này trong hệ thống khuyến nông. Sở NNPTNT- là đơn vị cấp ngân sách cho TTKN, cần hỗ trợ việc ứng dụng các phương pháp có sự tham gia và sẽ tham gia nhiều hơn vào chương trình, quá trình này đã bắt đầu từ năm 2010 và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh. Chương trình mong muốn nâng cao năng lực cho cấp quản lý của các TTKN thông qua tổ chức các cuộc họp thường kì, các hội thảo và các chuyến thăm quan học tập trong tỉnh, và thông qua phát triển các tài liệu phù hợp với địa phương và qua các lớp tập huấn ngắn.

Tính bền vững thường sẽ thể hiện qua một kế hoạch chung đưa các phương pháp này vào hoạt động của đối tác mặc dù mỗi tỉnh có cách nhìn nhận riêng về khuyến nông: nhu cầu, tài nguyên, các khả năng, tầm nhìn...

Khuyến nông được đề cập đến như trách nhiệm của tất cả các thành phần trong xã hội. Do đó, bức tranh về khuyến nông rất đa dạng và các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân và Hội Phụ nữ năng nổ đưa khuyến nông vào các hoạt động của mình, bởi vì một trong các nhiệm vụ chính của họ là giúp đỡ các thành viên tăng thu nhập và giảm nghèo. Các tổ chức đoàn thể là đối tác ở kết quả trung gian 2 của chương trình. Trong giai đoạn 2, chúng tôi có các hoạt động cho cấp quản lý của các tổ chức đoàn thể mặc dù trên thực tế sự tham gia vào khuyến nông của họ là hạn chế nhưng họ có vai trò thúc đẩy ứng dụng các phương pháp này.

Mục tiêu cụ thể (2011-2012)

Sở NNPTNN, TTKN và các tổ chức đoàn thể có năng lực cùng nhau thúc đẩy và hỗ trợ việc sử dụng và thể chế hóa các phương pháp có sự tham gia trong khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng của khuyến nông.

Các kết quả trung gian

  1. Trung tâm khuyến nông/ Trạm khuyến nông lồng ghép PTD (Phát triển kĩ thuật có sự tham gia) trong công tác khuyến nông thường nhật
  2. Các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực vào mạng lưới hỗ trợ khuyến nông và hỗ trợ/ khuyến khích việc sử dụng các phương pháp khuyến nông có sự tham gia.