Bạn đang ở đây

12/09/2012

Tôi rất tò mò về “Công cụ cái xô thủng” và “Tôi mong chờ được khám phá Công cụ phát triển chính sách đổi mới giáo dục của Intel” Đây là cảm giác của các đại biểu khi đọc bản Chương trình hội thảo.

“Đổi mới giáo dục: từ tầm nhìn đến hành động" là hội thảo đầu tiên được tổ chức với sự hợp tác giữa Intel và VVOB. Hội thảo này được diễn ra trong bối cảnh các trường ĐH/CĐSP thuộc Chương trình Giáo dục của VVOB đang xây dựng Kế hoạch Đổi mới Giáo dục  cho năm học mới (2012-2013), và gần đây, Intel cũng mới giới thiệu Công cụ phát triển chính sách đổi mới giáo dục của mình với các đối tác tại Việt Nam. Mục tiêu của hội thảo là:

  • Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đổi mới trong giáo dục năm 2011-2012 và thảo luận về kế hoạch đổi mới trong giáo dục năm 2012-2013;
  • Tìm hiểu cách tiếp cận mới trong công tác phát triển nguồn lực: “Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực” (ABCD);
  • Xem xét các yếu tố của “đổi mới giáo dục”;
  • Tìm hiểu “Công cụ xây dựng chính sách đổi mới trong giáo dục của Intel” và khả năng áp dụng công cụ này trong hoạt động xây dựng chính sách giáo dục.

Đại biểu tham dự hội thảo bao gồm thành viên Ban điều hành Đổi mới trong giáo dục của 5 trường ĐH/CĐSP, đại diện của các Sở GD&ĐT, đại diện của tổ chức Intel, UNESCO Hà Nội và VVOB.

Trong ngày đâu tiên, các đại biểu đã tham gia đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đổi mới trong giáo dục năm 2011-2012 và thảo luận về kế hoạch đổi mới trong giáo dục năm 2012-2013. Thông qua hoạt động phỏng vấn nhóm tập trung, các đại biểu đã đánh giá những ảnh hưởng của bản Kế hoạch đổi mới giáo dục dựa trên các chỉ số: nâng cao năng lực, nguồn lực và giám sát& đánh giá. Rõ ràng là bản Kế hoạch đổi mới giáo dục đã trở thành một phần thiết yếu trong bản Kế hoạch tổng thể của mỗi trường. Đối với hoạt động Phát triển chuyên môn, các báo cáo giám sát& đánh giá cho thấy tất cả các trường đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho đông đảo giảng viên, giáo viên và sinh viên nhà trường. Các khóa tập huấn mở rộng do các trường ĐH/CĐSP  tổ chức cho các giáo viên của các trường có sinh viên sư phạm đến thực hành được các giáo viên đánh giá cao. Các khóa tập huấn này không chỉ giúp nâng cao năng lực của giáo viên mà còn giúp củng cố mối quan hệ giữa các trường thực hành sư phạm và các trường ĐH/CĐSP. Đối với phần các nguồn lực, các giảng viên đã thực hiện nhiều nghiên cứu về chủ đề CNTT và giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển tài liệu môn học… Sau đó, các đại biểu đã thảo luận về cách thức tiến hành hoạt động giám sát& đánh giá và cách thức đánh giá giáo viên. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về tác động tích cực của hoạt động sinh viên đánh giá việc giảng dạy của giáo viên, khả năng đánh giá của sinh viên về việc giảng dạy của giáo viên và độ tin cậy của dữ liệu thu được.

Các đại biểu cũng thảo luận về Kế hoạch đổi mới giáo dục cho năm học mới (2012-2013). Bản kế hoạch mới tiếp tục tập trung vào hoạt động phát triển chuyên môn cho giảng viên, sinh viên sư phạm và đặc biệt là giáo viên ở các trường thực hành. Một số trường có nhu cầu tổ chức hội thảo đánh giá nghiên cứu khoa học. Hoạt động Thay đổi về mặt phương pháp vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ các trường.

Vào buổi chiều ngày 1, hội thảo đã giới thiệu nội dung: Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực” (ABCD). Nội dung chính của phương pháp này là “Phát triển cộng đồng dựa trên những gì người dân địa phương có, chứ không phải những cái họ cần:. Phương pháp này lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 90 và đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực ở nhiều nước trên thế giới. Các đại biểu đã rất hứng thú tìm hiểu phương pháp này đặc biệt là các công cụ của nó: 3H (phân tích tài sản của cá nhân), cái xô thủng  (phân tích cơ hội phát triển kinh tế )và sơ đồ Venn (phân tích mối quan hệ). Qua việc tìm hiểu phương pháp này, các đại biểu đã có cơ hội suy ngẫm về hướng phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.

Trong ngày thứ 2, hội thảo đã giới thiệu nội dung Mô hình đổi mới giáo dục và công cụ phát triển chính sách của Intel. Công cụ này giới thiệu một phương pháp tổng thể để xây dựng chính sách đổi mới giáo dục từ nhiều thành phần như tầm nhìn, nghiên cứu, đánh giá, CNTT và phát triển chuyên môn. Các đại biểu cho rằng công cụ này giúp ích cho việc đánh giá bản Kế hoạch đổi mới giáo dục trong năm học vừa qua và cả trong việc xây dựng chính sách đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Nhìn chung, hội thảo được đánh giá là “Hữu ích và thú vị!” “Nội dung phong phú và hữu ích” “Học hỏi được nhiều điều!”

Nếu bạn đọc quan tâm đến công cụ Cái Xô Thủng , bạn có thể  tham khảo tài liệu tại đường liên kết: http://coady.stfx.ca/tinroom/assets/file/resources/abcd/SEWA%20ABCD%20Manual.pdf