Bạn đang ở đây

30/07/2012

Công tác hướng nghiệp trong chương trình giáo dục trung học tại Việt Nam được thực hiện qua 2 con đường: (1) Giáo dục hướng nghiệp: tập trung vào công tác hướng nghiệp qua một số tiết học và hoạt động ngoài giờ lên lớp; và (2) các khóa học thử nghiệm nghề được thực hiện thông qua một phần của môn Công nghệ và các tiết giáo dục nghề phổ thông được dạy tại các trường học và các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp -Hướng nghiệp.

Hiện tại, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được tổ chức thực hiện từ lớp 9 đến lớp 12, 9 tiết/năm học (theo Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTrH năm học 2008 - 2009 số  7475/BGDĐT-GDTrH). Sách giáo viên về hoạt động hướng nghiệp được bộ GD&ĐT phát hành vào năm 2006 là các tài liệu chính mà giáo viên dùng để thực hiện  9 tiết hướng nghiệp.

Vậy các giáo viên phụ trách giáo dục hướng nghiệp cần có các thông tin gì nữa để thực hiện các nhiệm vụ của mình? Vào ngày 21 tháng 7 năm 2012, 31 đại biểu đại diện cho các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các trường phổ thông trung học và trung tâm Hướng nghiệp – Kỹ thuật tổng hợp của 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Nam đã cùng tham dự hội thảo tại thành phố Vinh để thảo luận về vấn đề này. Các đại biểu cũng đã sử dụng Tầm nhìn hướng nghiệp của tỉnh (được xây dựng vào đầu năm 2012) làm tài liệu tham khảo tại Hội thảo.

"Khung phát triển nghề nghiệp" cho học sinh trung học đã được xây dựng và Khung phát triển nghề nghiệp này đã được sử dụng làm cơ sở cho việc phân tích nhu cầu về các tài liệu hướng nghiệp. Dựa trên Quyết định số 126-CP của Chính phủ, các hướng dẫn và khung hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT, tầm nhìn của tỉnh về hướng nghiệp và thang nhận thức BLOOM , “Khung phát triển nghề nghiệp” được xây dựng bao gồm các năng lực hướng nghiệp cho học sinh ở mỗi lớp và tiêu chí đánh giá các năng lực này. Khung gồm 3 phần: 1. "Nhận thức bản thân", 2."Nhận thức về nghề nghiệp" và 3. "Xây dựng kế hoạch nghề nghiệp".

Các đại biểu là các giáo viên phụ trách hướng nghiệp được chia thành 4 nhóm để thảo luận về năng lực hướng nghiệp cần có của học sinh, đưa ý kiến đóng góp về các khuyến nghị đối với việc bổ sung tài liệu hiện dùng do tư vấn độc lập đề xuất. Các cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT thảo luận góp ý về các tiêu chí đánh giá năng lực của học sinh và phản biện các ý kiến thảo luận của giáo viên về việc bổ sung tài liệu.

Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận và chia sẻ ý kiến và ngày càng hiểu rõ hơn về công tác hướng nghiệp. Các kết quả thảo luận sẽ được đưa vào báo cáo nghiên cứu tài liệu và kế hoạch bổ sung tài liệu. Những nội dung này sẽ giúp cả hai tỉnh đối tác cập nhật thêm các thông tin cho công tác hướng nghiệp tại tỉnh nhà.

Ngoài sự tham gia và thảo luận của các tỉnh đối tác, VVOB đã ký hợp đồng với các chuyên gia củaViện Nghiên cứu Giáo dục, thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và một tư vấn phản biện để hỗ trợ quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu và kế hoạch bổ sung tài liệu.