Bạn đang ở đây

14/08/2017

Bằng cách nào giáo viên mầm non có thể chắc chắn tất cả học sinh trong lớp mình đều đang học? Thoạt nhìn, có vẻ như cả lớp đều đang tham gia… nhưng bằng cách quan sát từng trẻ một cách có hệ thống, giáo viên có thể xác định được những trẻ nào đang hoặc không thực sự học và đang có nguy cơ không học.

Điều gì tạo nên chất lượng của giáo dục mầm non?

Xét về khía cạnh giáo dục mầm non, bản thân “chất lượng” cũng đang là một chủ đề được thảo luận nhiều. Tiến sĩ Laevers nhận định rằng chất lượng được xác định bằng quan điểm. Trong khi cha mẹ hoặc hiệu trưởng cho rằng chất lượng chủ yếu liên quan đến nội dung – cách thức giáo dục và hành động của giáo viên, thì những nhà hoạch định chính sách lại xác định chất lượng dựa vào kết quả.

Giáo viên làm việc theo bối cảnh (các chính sách giáo dục hiện hành), để đạt được kết quả. Nhưng nếu đứa trẻ đạt được kết quả tốt (ví dụ: có thể tô màu một bức tranh), thì không có nghĩa rằng trẻ đang học. Chất lượng giáo dục chỉ đạt được nếu trẻ có học tập. Bằng cách quan sát cảm giác thoải máisự tham gia của trẻ, giáo viên biết được trẻ có đang học hay không. Trong trường hợp này, chất lượng giáo dục mầm non chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của giáo viên.

Cảm giác thoải mái liên quan đến mức độ khi những nhu cầu cơ bản của trẻ được đáp ứng, nghĩa là khi trẻ cảm thấy vui vẻ, thư giãn, hành động một cách tự nhiên, tràn đầy sức sống và tự tin… khi mà trẻ cảm thấy mình như “cá gặp nước”.

Sự tham gia có thể nhìn thấy khi trẻ tập trung cao độ, thể hiện sự quan tâm, tò mò và cả đam mê, có động lực, say mê hoạt động và cởi mở tiếp nhận các hoạt động tương tự. Mức độ tham gia được dẫn dắt bởi sự thôi thúc của trẻ muốn trải nghiệm thế giới (định hướng trải nghiệm). Sự tham gia chỉ xảy ra khi trẻ được thử tháchhoạt động hết khả năng của mình, trong Vùng phát triển gần nhất. Trẻ chỉ có thể thực sự tham gia nếu cảm thấy thoải mái, thư giãn và trong khoảnh khắc đó, trẻ sẽ đạt được mức đô học sâu.

Đánh giá mức độ thoải mái và tham gia của trẻ

Để đánh giá mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong lớp học, giáo viên cần đặt mình vào vai trò của trẻ và nhìn nhận sự việc từ cái nhìn của các em. Bằng cách quan sát có hệ thống từng trẻ, giáo viên sẽ có thể rút ra kết luận về hoạt động trí óc của trẻ. Nếu việc đồng cảm với học sinh mang tính chất chủ quan, thì mức độ thoải mái và tham gia có thể được đo lường bằng cách quan sát lớp học, sử dụng các thang đánh giá được thiết kế một cách khoa học. Thang Leuven miêu tả 5 cấp độ thoải mái và tham gia, từ rất thấp đến rất cao. Nghiên cứu đã chỉ ra độ tin cậy của thang này: nhiều người cùng quan sát một đứa trẻ và cùng đánh giá ở cấp độ giống nhau.

Bằng cách đo lường các cấp độ này, giáo viên sẽ xác định được những rào cản khiến một số trẻ trong lớp không học tập và tham gia các hoạt động. Những rào cản đó có thể liên quan đến đặc tính của môi trường học, các hoạt động và chất lượng tương tác. Đối với trẻ có mức độ tham gia dưới cấp độ 4, giáo viên nên tiến hành thực hiện các quan sát và phân tích sâu hơn.

Các mức độ thoải mái và tham gia của Laevers et al. (2012) – Xem tài liệu đính kèm bên dưới 

Hành động để điều chỉnh cách tiếp cận

Để tất cả trẻ trong lớp đều tham gia, giáo viên cần điều chỉnh cách tiếp cận của mình. Các tiếp cận mới này nên được lồng ghép trong các hoạt động để giảm thiểu rào cản trong việc học tập của trẻ và đã được thử nghiệm trên một số trẻ trong môi trường giáo dục có sẵn (trong lớp học). Các mức độ thoải mái và tham gia sẽ tăng lên và trẻ có thể phát triển tiềm năng toàn diện của mình. 10 điểm hành động là hướng dẫn để cải thiện các cấp độ này. Một nghiên cứu cho thấy rằng mức độ thoải mái và tham gia của trẻ tăng lên trong vòng chưa đầy một năm, bao gồm cả trẻ ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Các mức độ thoải mái và tham gia của hầu hết trẻ đều tăng trong vòng 6 tháng thực hiện Nghiên cứu ứng dụng của VVOB tại các huyện có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam.

Các điểm hành động gia của Laevers et al. – Xem tài liệu đính kèm bên dưới

Mức độ học sâu để phát triển toàn diện

Nếu được hỗ trợ để có được sự thoải mái và tham gia ở mức độ cao, não bộ của trẻ sẽ làm việc để phát huy hết khả năng và đat mức độ học sâu. Đây là phương pháp học tập vô cùng hiệu quả và giúp trẻ có thể áp dụng những kỹ năng đã học vào thực tế cuộc sống đồng thời cũng là phương pháp giúp trẻ phát triển toàn diện các lĩnh vực phát triển: nhận thức, cảm xúc -xã hội, giao tiếp và ngôn ngữ, kỹ năng vận động thô và tinh.

[1] (2005) TS. Ferre Laevers, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Thực nghiệm. Đại học Leuven, Bỉ.

Hệ thống quan sát trẻ theo quá trình có phù hợp và hiệu quả tại các trường mẫu giáo ở Việt Nam?

  • Việt Nam đang đẩy mạnh việc dạy và học tích cực trở thành chiến lược chủ chốt nhằm nâng cao chất lượng học tâp của trẻ tại trường mầm non.
  • Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã tập trung nhiều hơn vào giáo dục mầm non và đã thiết lập cơ sở vững chắc cho các trường mầm non công lập. Theo một nghiên cứu của Bộ (Công cụ phát triển lứa tuổi mầm non, EDI), 25% trẻ em Việt Nam ở độ tuổi lên 5 rất dễ bị tổn thương, trong đó 50% số trẻ có nguy cơ bị tổn thương ở ít nhất một lĩnh vực phát triển.
  • Điều 23 Luật Giáo dục Việt Nam quy định mục đích chính của giáo dục mầm non là " thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi để giúp trẻ em phát triển toàn diện; chú trọng việc nêu gương, động viên, khích lệ.".
  • Bộ GD&ĐT đã thông qua các quy định mới về Các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục mầm non. Mối quan tâm về chất lượng của Bộ cũng đã dẫn đến việc áp dụng Các tiêu chuẩn học tập và phát triển lứa tuổi mầm non vào năm 2014 cũng như "cải cách chương trình giáo dục mầm non nhằm tập trung vào trẻ, tích hợp, linh hoạt, học bằng chơi và quan tâm đến từng cá nhân".
  • Một nghiên cứu thí điểm do VVOB thực hiện từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016 tại ba huyện (thành phố Thái Nguyên, huyện Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên, huyện Nam Giang thuộc tỉnh Quảng Nam) cho thấy 71% trong số 364 trẻ em được quan sát có sự gia tăng rõ rệt về cảm giác thoải mái và/hoặc sự tham gia trong lớp học. Kết quả này chỉ ra rằng, theo đánh giá của giáo viên, đa số các em tỏ ra thích thú hơn với việc học.  

Giáo dục Thực nghiệm

Cách tiếp cận này được dựa trên Giáo dục Thực nghiệm và Hệ thống Quan sát Trẻ theo Quá trình. Giáo dục thực nghiệm là một mô hình giáo dục mầm non được phát triển ở Bỉ vào năm 1976. Từ đó, trở thành một trong những mô hình có ảnh hưởng nhất ở 20 quốc gia trên thế giới, từ Phần Lan đến Nam Phi, từ Úc đến Nhật Bản. Cách tiếp cận này rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực giáo dục, ở bất cứ đâu mà việc học tập diễn ra. 

Những ưu điểm của Hệ thống Quan sát Trẻ theo Quá trình

  1. Dễ đo lường
  2. Phản hồi ngay lập tức về cách giáo viên đang áp dụng (dựa trên bằng chứng)
  3. Khả năng thay đổi cách tiếp cận tức thời
  4. Thực tiễn và hiệu quả
  5. Phù hợp với trực giác của người thực hiện
  6. Tiếp cận trẻ một cách toàn diện. Phù hợp với mọi lĩnh vực phát triển