Bạn đang ở đây

03/08/2017

Năm 2014, VVOB Việt Nam đã giới thiệu một phương thức tiếp cận toàn diện để có quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học thành công tại bốn tỉnh Việt Nam. Với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan giáo dục, chương trình đã nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục ở cấp Tỉnh và Huyện, lãnh đạo nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh trong việc giải quyết các vấn đề của quá trình chuyển tiếp, giai đoạn quyết định kết quả học tập sau này của trẻ. Ông Nguyễn Tấn Từ (Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Liên (Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam) đã có một số chia sẻ.

 

Vì quyền lợi của tất cả học sinh

Ông Nguyễn Tấn Từ: “Nâng cao năng lực của lãnh đạo nhà trường và đưa chủ đề chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học vào trong các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tạo nên những thay đổi tích cực. Lãnh đạo nhà trường có ý thức tốt hơn về tầm quan trong của quá trình chuyển tiếp tích cực, và có năng lực triển khai quá trình này một cách hiệu quả.  Lãnh đạo các trường đã xây dựng, thực hiện và đánh giá kế hoạch hoạt động của trường hướng đến việc hỗ trợ quá trình chuyển tiếp của trẻ. Chương trình cũng tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa trường mầm non và tiểu học: trẻ mầm non tham quan trường tiểu học; họp chuyên môn chung, dự giờ chéo giữa giữa hai cấp học; những hoạt động này giúp giáo viên hiểu bản chất công việc ở mỗi cấp. Nhờ vậy, giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp dạy học giúp trẻ phát triển tốt hơn. Sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình cũng được đẩy mạnh đáng kể thông qua chương trình.

Môi trường học tập hiệu quả 

Ông Nguyễn Tấn Từ: “Qua sự hợp tác giữa mẫu giáo và tiểu học,  giáo viên đã tìm ra cách đảm bảo tính liên tục giữa hai cấp học; đây là một thách thức đối với giáo viên trong việc tạo ra môi trường học tập linh hoạt hiệu quả, an toàn, với các hoạt động học và chơi đa dạng. Một số trường tiểu học đã trang trí lại các phòng học cho học sinh lớp 1 để phù hợp với những trải nghiệm mà các em từng có ở trường mẫu giáo. Giáo viên cũng cố gắng thiết kế những bài tập có ý nghĩa lấy cảm hứng từ sở thích của trẻ, và vì thế những bài tập này cũng trở nên hấp dẫn hơn. Chuyển tiếp từ môi trường hoạt động vui chơi sang học tập có chủ đích sử dụng sách giáo khoa và bài tập là thử thách lớn đối với trẻ nhỏ. Giáo viên cũng đã bắt đầu chú tâm đến phương pháp “tạo bước đệm”; hỗ trợ trẻ theo nhu cầu học tập của từng cá nhân.  Ngày càng nhiều thực hành tốt ở các trường được tài liệu hóa để chia sẻ rộng rãi.”

Sự tham gia của các bậc cha mẹ

Bà Nguyễn Thị Liên: “Hợp tác giữa VVOB và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã mang đến những thay đổi trong cách cha mẹ hỗ trợ trẻ trong giai đoạn trước khi bước vào tiểu học. Ở cấp tỉnh, chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn cho đôi ngũ cán bộ phụ nữ, sau đó cán bộ phụ nữ thảo luận các vấn đề về chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học ở cộng đồng. Trong các cuộc họp của Hội liên hiệp phụ nữ, cha mẹ được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quá trình chuyển tiếp và được tư vấn những hiểu biết thiết thực về cách hỗ trợ con em mình. Cả giáo viên và cha mẹ  đều nhận thấy những thay đổi tích cực ở trẻ khi cha mẹ chủ động hơn trong quá trình này.  Ví dụ như cha mẹ giúp trẻ phát huy tính độc lập bằng cách giao cho trẻ làm các viêc vặt ở nhà, giúp trẻ học qua các trò chơi, kể chuyện hay trò chuyện với trẻ về những trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày. Ngoài việc cải thiện năng lực của cha mẹ trong việc hỗ trợ trẻ, sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội liên hiệp phụ nữ và ngành giáo dục đã đóng góp đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non."

___________

Bài viết này có trong báo cáo năm 2016 của VVOB: http://www.vvob.be/vvob/en/news/annualreport2016