Bạn đang ở đây

01/02/2016

Chúng ta đều biết trong mỗi lớp học, thầy cô giáo là người trực tiếp truyền tải kiến thức, chuẩn bị cho trẻ bước vào cuộc sống. Mặc dù chúng ta không thường xuyên nghe thấy người cán bộ quản lý trường học lên tiếng, nhưng trên thực tế, họ chính là động cơ chính đứng phía sau toàn bộ giáo viên làm cho “cỗ máy” chuyển động.

Cô Lê Thị Hiếu - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Sen, trước kia là Mẫu giáo Trà Xuân (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của một người quản lý trường học hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp từ Mầm non lên Tiểu học của trẻ.

Bước vào lớp Một - mốc quan trọng trong cuộc đời trẻ

Bước chân vào lớp Một với một môi trường học tập mới là khoảng thời gian không chỉ đứa trẻ mà cả gia đình và nhà trường sẽ đối mặt với nhiều thay đổi và phải dần thích nghi. Những thay đổi đó hết sức đa dạng, có thể kể đến như:

  • Trẻ sẽ có những mối quan hệ mới;
  • Trẻ sẽ có những vai trò và trách nhiệm mới;
  • Trẻ sẽ thích nghi với môi trường học tập mới trong đó việc học tập chuyển từ chủ yếu là học thông qua chơi chuyển sang học có chủ đích.

Những thay đổi này nhìn chung phù hợp với các mốc phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mỗi trẻ lại phát triển và phản ứng với những thay đổi theo cách riêng khác nhau. Cán bộ quản lý trường học, giáo viên và cha mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp và cũng là những nhân tố hỗ trợ trẻ trở thành những con người tích cực và biết học hỏi suốt đời. Trong ba nhân tố ấy, có thể nói, cán bộ quản lý trường học chính là động cơ thúc đẩy các nhân tố khác cùng hỗ trợ trẻ.​

Những khó khăn nhà trường gặp phải khi hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp

Trà Bồng là một trong số những huyện khó khăn nhất của Việt Nam với tỷ lệ nghèo hơn 40% và 80% dân số thuộc nhóm dân tộc thiểu số Kor. Trường Mầm non Hoa Sen, xã Trà Xuân, mặc dù nằm ở trung tâm huyện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp.

Giống thực tế ở nhiều khu vực miền núi khác, cha mẹ chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một theo nhiều cách khác nhau. Một số cho rằng trẻ cần học trước chương trình lớp Một, cần được dạy học đọc, học viết và làm toán.

Nhiều cha mẹ khác lại cho rằng việc chuẩn bị là không cần thiết vì một cách tự nhiên trẻ sẽ sẵn sàng đi học lớp Một khi đến tuổi và họ cho rằng việc dạy dỗ là trách nhiệm của nhà trường và thầy cô giáo. Với nhóm cha mẹ này, chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một không phải là vấn đề cấp thiết.

Trong khi kiến thức của giáo viên về việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp còn hạn chế, sự phối hợp giữa trường Mầm non và Tiểu học cũng như với gia đình chưa thật sự chặt chẽ do nhiều lý do khác nhau như khối lượng công việc lớn từ cả hai phía Mầm non và Tiểu học, nhận thức còn hạn chế về giai đoạn chuyển tiếp...

Từng bước nâng cao chất lượng hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp

Năm 2014, VVOB tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý sự thay đổi của Hiệu trưởng để hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp từ Mầm non lên Tiểu học” dành cho nhóm nòng cốt. Được thiết kế dành cho cán bộ quản lý trường học, khóa tập huấn chú trọng vào những kỹ năng cần thiết cho Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trong việc quản lý sự thay đổi, áp dụng vào việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp. Bốn tỉnh tham gia dự án (Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi) tiếp tục tổ chức những khóa tập huấn nhân rộng tới lãnh đạo trường học ở tỉnh mình.

Sau khi tham gia khóa tập huấn, cô Hiếu hiểu rõ hơn về vai trò của mình như một đầu tầu trong việc đối mặt với những thách thức này: gắn kết hai nhà trường Mầm non và Tiểu học với nhau; gắn kết nhà trường và gia đình hơn nữa trong việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp. Cô đã chủ động chia sẻ về nội dung tập huấn với các giáo viên khác trong trường thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Sau đó hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp được đưa vào kế hoạch hoạt động của trường. Nhiều hoạt động cụ thể được triển khai giúp sự kết nối giữa trường Mầm non và Tiểu học cũng như sự gắn kết giữa trường Mầm non và cộng đồng đã trở nên chặt chẽ hơn.

  • Trong năm học 2014-2015, cô Hiếu đã chủ động mời ban giám hiệu và giáo viên trường Tiểu học đến thăm và dự giờ tiết học ở trường Mầm non để họ hiểu hơn về chương trình Mầm non cũng như công tác giảng dạy ở đây.
  • Trong năm học 2015-2016, giáo viên trường Mầm non đi thăm và dự giờ tiết Tiếng Việt và Toán ở trường Tiểu học. Thông qua việc dự giờ những tiết học như vậy, giáo viên trường Mầm non hiểu kỹ hơn về thực tế và phương pháp giảng dạy ở trường Tiểu học. Trong một buổi họp phối hợp giữa hai trường, giáo viên thảo luận những vấn đề như phương pháp giảng dạy, cách thiết kế đồ dùng dạy học và cách dạy trẻ 5 tuổi phát âm.

Từ những nỗ lực trên, giáo viên cả hai trường hiểu biết tốt hơn về công việc của nhau. Việc bàn giao trẻ từ Mầm non lên Tiểu học cũng được thực hiện với những điểm mới nhất định. Bên cạnh đó, một kế hoạch rõ ràng, chú trọng đến việc nâng cao mối quan hệ giữa hai cấp Mầm non – Tiểu học; giữa nhà trường và gia đình đã được trường Mầm non Hoa sen đưa ra và thực hiện. Thông qua việc tận dụng các kênh thông tin với cha mẹ (bảng thông báo, các cuộc họp phụ huynh thường kỳ và trao đổi hàng ngày với cha mẹ), giáo viên giải thích với họ về tầm quan trọng của giai đoạn chuyển tiếp và những khó khăn mà đứa trẻ phải đối diện và cách hỗ trợ trẻ ở nhà. Sau hai năm kể từ khi chủ đề này được giới thiệu, giờ đây sự hỗ trợ của gia đình và cha mẹ đối với con trong giai đoạn quan trọng đó đã có những thay đổi đáng chú ý.

Cán bộ quản lý trường học: động cơ chính trong việc hỗ trợ trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp

Những thách thức của việc hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp là khá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở những vùng khó khăn và miền núi. Cán bộ quản lý trường học chính là người đóng vai trò quyết định trong việc đưa ra những thay đổi đầu tiên để hướng đến cải thiện tình trạng hiện tại.

 
Cán bộ quản lý trường Mầm non hay Tiểu học có vai trò rất quan trọng vì họ là đầu mối kết nối giữa các cấp trên và giáo viên, cũng như với phụ huynh học sinh. Điều quan trọng nhất là cái tâm của mình, phải nhiệt huyết, có trách nhiệm, để có thể giáo dục trẻ đạt được chất lượng như mình mong muốn. Người cán bộ quản lý cũng cần biết cách khơi gợi lòng nhiệt tình, yêu nghề của giáo viên để hỗ trợ trẻ chuyển tiếp.
Cô Lê Thị Hiếu - Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi