Bạn đang ở đây

PRA- Kỹ thuật đánh giá nhanh nông thôn là một trong những cách tiếp cận mới để thay thế phương pháp lỗi thời (áp đặt) trong phát triển nông thôn. Nó được dựa trên kinh nghiệm địa phương, nơi các cộng đồng quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ một cách có hiệu quả. PRA là phương pháp có sự tham gia đồng tình của người dân, là một thành phần căn bản trong việc xây dựng kế hoạch đề án; điều đó duy trì được các kỹ thuật địa phương cũng như duy trì các hệ thống bền vững của sinh thái, kinh tế, chính sách; và những khởi điểm phát triển bền vững thật sự đó sẽ hợp thành những cách tiếp cận mà chính các cộng đồng địa phương có thể quản lý và kiểm soát.

Ở Việt Nam, từ cuối những năm 80, ngày càng nhiều nhiều tổ chức quốc tế (như Ngân hàng thế giới [WB], UNDP, FAO, IFAD, FADO, IDRC,...), các cơ quan nghiên cứu, phát triển trong nước đã sử dụng
PRA để xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án ở nhiều qui mô khác nhau về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, việc hiểu rõ quan điểm hệ thống và vận dụng thuần thục các kỹ năng PRA là quá trình tích lũy lâu dài.Các cán bộ nghiên cứu và phát triển cần được huấn luyện kỹ lưỡng về kỹ năng, và quan trọng hơn về ý thức phục vụ người dân, vận dụng và tự rèn luyện trong thực tiễn công việc của mình.

Tài liệu này nhằm giới thiệu cho các nhà nghiên cứu sự cần thiết và phương pháp PRA. Các kỹ thuật PRA ngày nay được sử dụng nhiều như là một công cụ bổ sung cho các phương pháp nghiên cứu truyền thống, sử dụng trong các nghiên cứu thăm dò, lập kế hoạch và đánh giá các dự án cho hàng loạt các lãnh vực khác nhau như nông nghiệp, phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển xí nghiệp và chăm sóc y tế, và.v.v. Mặc dù những thí dụ trong tài liệu này được trích dẫn từ một vài nghiên cứu ở một địa phương, PRA có thể áp dụng cho những điều kiện văn hóa, kinh tế-xã hội và các vùng sinh thái khác nhau.