Bạn đang ở đây

Chương trình khuyến nông có sự tham gia (tên gọi tắt tiếng Anh là PAEX) do Tổ chức VVOB tài trợ, là tổ chức phi lợi nhuận khởi động năm 2008, tiếp nối hai dự án trước đó trong giai đoạn 2001- 2007. Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực, cụ thể là các kỹ năng phương pháp luận, cho các cán bộ khuyến nông và các Câu lạc bộ nông dân nhằm nâng cao chất lượng của khuyến nông.

Chương trình PAEX được thực hiện tại ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng) và hai tỉnh Đông Nam Bộ, Việt Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước). Tại năm tỉnh này, VVOB hợp tác với Trung tâm Khuyến nông (TTKN), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT), Hội Phụ nữ và Hội Nông dân giới thiệu các phương pháp khuyến nông có sự tham gia (Đánh giá nhanh nông thôn (PRA), Phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD) và nội dung Quản lý Câu lạc bộ khuyến nông có sự tham gia). Ngoài ra, VVOB còn hỗ trợ nâng cao năng lực các kỹ năng đào tạo, hỗ trợ, huấn luyện, kèm cặp.

Kể từ năm 2009, 26 giảng viên nòng cốt ToT được tập huấn và những giảng viên này sau đó tập huấn cho các cán bộ khuyến nông, câu lạc bộ nông dân/khuyến nông và cán bộ các tổ chức đoàn thể. Nội dung tập huấn – với nguồn tài liệu cùng xây dựng với các đối tác của chúng tôi – tập trung từ các phương pháp phát triển kỹ thuật có sự tham gia tới các nội dung hoạt động của câu lạc bộ nông dân (lãnh đạo, quản lý câu lạc bộ, thử nghiệm, hội thảo, vv). Hiện có hơn 4.000 lượt thành viên Câu lạc bộ, cán bộ khuyến nông và đoàn thể tham gia tập huấn trong giai đoạn 2008-2012. Các câu lạc bộ và cán bộ khuyến nông còn được tập huấn về lập kế hoạch khuyến nông có sự tham gia của người dân và theo đó bản kế hoạch hoạt động khuyến nông phù hợp hơn với định hướng của chính phủ, dựa vào nguồn lực và nhu cầu của địa phương.

Cuốn Sổ Tay Đào tạo giảng viên ToT này được xây dựng trên cơ sở 5 năm kinh nghiệm thực tế của Chương trình PAEX (VVOB) đối với hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực, lấy học viên làm trung tâm với chất lượng cao ở năm tỉnh phía Nam Việt Nam, theo nội dung khóa tập huấn do Công ty tư vấn đào tạo MDF và T&C tổ chức theo yêu cầu của chương trình PAEX, tham khảo nguồn tài liệu của Dự án Phát triển Lâm nghiệp Xã hội Sông Đà (GTZ), Tổ chức RECOFTC, DFID, Ủy ban sông Mekong và những đóng góp đầu vào của các chuyên gia tư vấn VVOB, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, giảng viên Khoa Phát triển Nông thôn (Đại học Cần Thơ). Ngoài ra, chúng tôi tổ chức hội thảo xây dựng tài liệu này vào tháng 7 năm 2011 và tại hội thảo các giảng viên nòng cốt đã xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch bài giảng.

Sổ tay đào tạo phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia anh chị nhận được là kết quả nỗ lực làm việc của tất cả cán bộ Chương trình PAEX và cán bộ cơ quan đối tác tham gia Chương trình PAEX, Trung tâm khuyến nông các tỉnh và giảng viên nòng cốt năm tỉnh mà chúng tôi gửi lời cảm ơn dưới đây. Với một phần nỗ lực của chúng tôi, cuốn sổ tay này nhằm cải thiện năng lực đào tạo cán bộ cấp tỉnh, huyện và từ đó tăng cường năng lực áp dụng các phương pháp khuyến nông có sự tham gia, lập kế hoạch cấp cơ sở và quản lý cộng đồng.

Anh chị có thể sử dụng nguồn tài liệu này theo nhu cầu, không nhất thiết phải liên lạc với chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao việc sử dụng tài liệu của anh chị và thông tin anh chị cung cấp cho chúng tôi về việc cuốn sổ tay được sử dụng như thế nào, khi nào và ở đâu.

Giới thiệu Sổ tay đào tạo giảng viên ToT

Việc xây dựng Sổ tay đào tạo là yếu tố then chốt nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình PAEX và nâng cao năng lực đào tạo nhóm giảng viên ToT, cán bộ khuyến nông, cán bộ đoàn thể và ban chủ nhiệm câu lạc bộ nông dân.
Cuốn sổ tay này được thiết kế cho khóa đào tạo 5 ngày về phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD). Tuy nhiên, nội dung này có thể được điều chỉnh cho phù hợp theo đối tượng được đào tạo.

1. Mục đích

Sổ tay này chủ yếu dành cho nhóm đối tượng thuộc các tổ chức có trách nhiệm phát triển nguồn lực cán bộ và những đối tượng đang thực hiện các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực. Những đối tượng này được đề cập ở đây là “các giảng viên”.

2. Cách thức xây dựng Sổ tay đào tạo

Từ kinh nghiệm đào tạo của giảng viên ToT nòng cốt 5 tỉnh và sự hỗ trợ của cán bộ nghiên cứu, giảng viên VVOB, đối tác Chương trình PAEX (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Đại học Cần Thơ), những khái niệm cơ bản về phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD) được ghi chép lại và giảng viên ToT xây dựng các nội dung đào tạo và kế hoạch bài giảng trong bốn ngày làm việc. Cuốn Sổ tay này đồng thời sử dụng các nguồn tài liệu về đào tạo, phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia (PTD) của các tổ chức, đơn vị tư vấn đào tạo và các tổ chức phi chính phủ.
Trong cuốn Sổ tay này, người đọc sẽ thấy từng mục nội dung chính:

  • Kế hoạch bài giảng
  • Tài liệu phát tay
  • Tài liệu tham khảo

3. Nội dung chính Sổ tay đào tạo

Cuốn Sổ tay này gồm 12 chương và 4 phụ lục. Ở mỗi chương gồm có kế hoạch bài giảng và tài liệu tham khảo gắn với nội dung của chương đó, gồm có:

  • Chương 1: Khởi động chương trình đào tạo
  • Chương 2: PTD là gì?
  • Chương 3: Nguyên tắc, đặc điểm PTD
  • Chương 4: Vai trò của cán bộ khuyến nông (CBKN)¬, nhà nghiên cứu, và nông dân trong PTD
  • Chương 5: Kỹ năng và thái độ của Cán bộ khuyến nông trong PTD
  • Chương 6: Các công cụ hỗ trợ cho PTD
  • Chương 7: Tiến trình PTD – giới thiệu chung và thành lập câu lạc bộ
  • Chương 8: Khó khăn, trở ngại
  • Chương 9: Tìm giải pháp
  • Chương 10: Thử nghiệm và đánh giá thử nghiệm
  • Chương 11: Nhân rộng mô hình
  • Chương 12: Kỹ năng và kiến thức đào tạo cơ bản (Phần 1: Giới thiệu đào tạo và học tập; Phần 2: Thiết kế đào tạo, chiến lược đào tạo, mục tiêu đào tạo và kế hoạch bài giảng; Phần 3: Phương pháp đào tạo; Phần 4: Kỹ năng hỗ trợ và huấn luyện/kèm cặp).

Bốn phụ lục gồm các thông tin về kỹ thuật đào tạo và các nguồn tài liệu khác:

  • Phụ lục 1: Chương trình đào tạo gợi ý
  • Phụ lục 2: Chuẩn bị hậu cần khóa đào tạo
  • Phụ lục 3: Theo dõi và đánh giá khóa tập huấn và kế hoạch tập huấn
  • Phụ lục 4: Trò chơi sử dụng trong khóa đào tạo

1. Một số trò chơi khuấy động
2. Trò chơi xây dựng tinh thần hợp tác/tinh thần đồng đội
3. Một số trò chơi liên quan đến bài học.

Để hỗ trợ các nội dung đào tạo này, giảng viên/cán bộ hỗ trợ có thể tải 9 phim ngắn từ trang youtube của VVOB Việt Nam (xem và tải về tại đây hoặc liên lạc Văn phòng VVOB Hà Nội (Chị Phương Anh) theo email: vvoboffice@gmail.com

  • Phim ngắn 1: Tiến trình thành lập Câu lạc bộ nông dân.
  • Phim ngắn 2: Xác định cây trồng vật nuôi, ưu tiên.
  • Phim ngắn 3: Xây dựng cây vấn đề.
  • Phim ngắn 4: Tìm giải pháp kỹ thuật – giải quyết nhu cầu của nông dân.
  • Phim ngắn 5: Bố trí thử nghiệm.
  • Phim ngắn 6: Theo dõi và đánh giá thử nghiệm.
  • Phim ngắn 7: Hội thảo đầu bờ, kết quả thử nghiệm hai giống lúa OM 5451, OM 2517.
  • Phim ngắn 8: Chủ nhiệm Câu lạc bộ điều hành một buổi họp CLB
  • Phim ngắn 9: Tham quan học tập ở Câu lạc bộ.

Sau khi học viên xem xong phần phim ngắn – chính là bước đầu tiên trong chu kỳ học tập của người trưởng thành (trải nghiệm), học viên có thể xem lại và quan sát những trải nghiệm này từ những khía cạnh khác nhau, thảo luận và phân tích trải nghiệm này – là bước thứ hai của chu trình học tập. Ba phút cuối của đoạn phim ngắn được sử dụng ở bước thứ ba của chu trình học tập để đưa ra kết luận – xây dựng thành khái niệm với việc đưa những quan sát có được của người tham gia thành lý thuyết hợp lý, logic.

Tài liệu tham khảo khác:
Giảng viên/cán bộ hỗ trợ có thể tải các cuốn tài liệu tham khảo từ trang web của VVOB Việt Nam:

  • PRA – Các công cụ Đánh giá nông thôn có sự tham gia (ứng dụng trong phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia PTD).
  • PTD – Phát triển kỹ thuật có sự tham gia.
  • PTD – Phát triển kỹ thuật có sự tham gia – Hướng dẫn thực địa dành cho cán bộ khuyến nông và câu lạc bộ nông dân.
  • PTD – Hỏi và đáp về phương pháp Phát triển kỹ thuật có sự tham gia PTD và quản lý câu lạc bộ khuyến nông có sự tham gia.
  • Sổ tay đào tạo giảng viên ToT về điều hành và quản lý câu lạc bộ khuyến nông có sự tham gia.

4. Cách sử dụng Sổ tay đào tạo giảng viên ToT

Chương trình đào tạo phác thảo trong sổ tay này dựa trên nguyên tắc học tập dành cho người trưởng thành, học tập với thái độ cởi mở, sự tham gia và phản hồi mang tính xây dựng, học qua cách đặt câu hỏi và các bước suy ngẫm, với các phương pháp học đa dạng, các bài tập khởi động, trò chơi.
Sổ tay được thiết kế chi tiết đáp ứng theo chương trình đào tạo giảng viên chuyên sâu đối với những giảng viên nòng cốt và những giảng viên này có trách nhiệm điều chỉnh những nội dung giới thiệu trong sổ tay này theo từng bối cảnh đào tạo cụ thể tại địa phương và thực hiện chương trình đào tạo cho nhiều bên liên quan (giảng viên ToT trẻ, cán bộ khuyến nông, câu lạc bộ, đoàn thể). Sổ tay này giúp giảng viên thiết kế các kế hoạch đào tạo về phương pháp PTD tại địa phương và xây dựng những trợ huấn cụ đào tạo phù hợp với bối cảnh, nhu cầu và nguồn lực địa phương. Sổ tay đào tạo này không phải là nguồn tài liệu cho khóa tập huấn “chuẩn’ về PTD, không đưa ra một chương trình khóa học cố định.

Giảng viên cân nhắc điều chỉnh tài liệu đào tạo theo đối tượng học viên:

  • Thay đổi nội dung tài liệu theo bối cảnh vùng cụ thể hoặc hỗ trợ việc tập huấn theo nhóm đối tượng.
  • Bỏ bớt nội dung hay thêm nội dung nhằm đảm bảo nội dung được thực tế hoặc chính xác.
  • Thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với nhóm đối tượng.
  • Điều chỉnh nội dung phù hợp với khung chính sách, quy chế.
  • Bổ sung thêm nội dung, hoạt động và các phương pháp đánh giá cụ thể theo chương trình học.
  • Cung cấp thêm nguồn nội dung, tài liệu đọc, trang web, vv.
  • Thay đổi trật tự tài liệu.
  • Thay đổi tính đặc trưng của tài liệu theo bối cảnh cụ thể của học viên.

Giảng viên có thể điều chỉnh và chia sẻ tài liệu này theo kế hoạch đào tạo. Chúng tôi đánh giá cao những góp ý cũng như kinh nghiệm của anh chị về nguồn tài liệu này.

TS. Wilfried Theunis
Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB